Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Ngành Y Tế Thành phố Hải Phòng
TÌNH HÌNH BỆNH SỞI NĂM 2024

    1. Tình hình bệnh tại Việt Nam
    Trên cả nước tính đến ngày 30/8/2024, hệ thống giám sát ghi nhận 2.641 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi (1.033 trường hợp xác định dương tính); số nghi mắc cao hơn 10 lần và số trường hợp xác định dương tính cao hơn 32,3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (262 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/32 trường hợp xác định dương tính).Kết quả đánh giá nguy cơ sởi tại 63 tỉnh, thành phố theo khuyến cáo của WHO trong tháng 6/2024 cho thấy:
    - 7 tỉnh có nguy cơ rất cao: Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang.
    - 7 tỉnh có nguy cơ cao: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau.
    - 9 tỉnh có nguy cơ trung bình và 40 tỉnh có nguy cơ thấp (thành phố Hải Phòng thuộc nhóm nguy cơ thấp).
    Tại thành phố Hồ Chí Minh có tổng số ca sốt phát ban nghi Sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 666 ca, 219 ca dương tính (32,8%). Ngày 27/8/2024, UBND thành phố Hồ Chí Mình quyết định công bố dịch Sởi trên địa bàn và sẽ thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho tất cả trẻ 1 - 5 tuổi. 
    2. Tình hình tiêm vắc xin phòng Sởi tại Hải Phòng trong các năm qua
    Trước năm 2020, tỷ lệ trẻ em được tiêm vắc xin Sởi, Sởi - Rubella luôn đạt tỷ lệ cao, đạt mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2020 - 2023, mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc thiếu vắc xin trong Chương trình TCMR nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Sở Y tế, sự tích cực cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng các tuyến cùng với việc tham gia của hệ thống tiêm chủng dịch vụ, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi cơ bản đạt yêu cầu đề ra:
    - Năm 2018: Sởi (98,27%); Sởi - Rubella (91,53%)
    - Năm 2019: Sởi (96,36%); Sởi - Rubella (95,41%)
    - Năm 2020: Sởi (98,22%); Sởi - Rubella (96,08%)
    - Năm 2021: Sởi (96,84%); Sởi - Rubella (95,93%)
    - Năm 2022: Sởi (90,44%); Sởi - Rubella (84,84%)
    - Năm 2023: Sởi (96,97%); Sởi - Rubella (97,25%)
    3. Dự báo nguy cơ dịch
    Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch Sởi tại nhiều khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình TCMR năm 2022 - 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em. Nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh đặc biệt là bệnh sởi.
    Thành phố Hải Phòng chưa ghi nhận ca bệnh Sởi nào từ đầu năm 2024 đến nay. CDC đã thực hiện đánh giá nguy cơ dịch bệnh Sởi tại Hải Phòng theo hướng dẫn của WHO thì Hải Phòng thuộc nhóm nguy cơ thấp.
    4. Các biện pháp phòng chống dịch
    Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-SYT ngày 21/6/2024 về phòng chống dịch Sởi năm 2024, tập trung vào một số hoạt động sau:
    - Tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin Sởi, Sởi - Rubell cho trẻ em trong độ tuổi theo quy định.
    - Phối hợp cùng ngành Giáo dục triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm bù mũi vắc xin cho trẻ nhập học lần đầu trường tiểu học, mầm non.
    - Tăng cường công tác giám sát chủ động, phát hiện sớm trường hợp sốt phát ban nghi Sởi/Rubella để điều tra, lấy mẫu làm xét nghiệm xác định ca bệnh
    - Khi có trường hợp nghi ngờ phải cách ly, xử lý ổ dịch sớm, triệt để.
    - Phân tuyến điều trị, sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện, thuốc điều trị, cấp cứu bệnh nhân.
    - Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh.
    - Xem xét thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin chống dịch tùy theo diễn biến dịch (nếu có).

Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - CDC Hải Phòng

Thông tin mới nhất




Đăng nhập