Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Ngành Y Tế Thành phố Hải Phòng
Vai trò truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá

Trong tháng 2 và 3 năm 2017, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hải Phòng đã tổ chức các lớp truyền thông về tác hại thuốc lá và Luật phòng chống tác hại thuốc lá cho các doanh nghiệp, trường học, UBND và Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, phường trên địa bàn các quận huyện: An Lão, Tiên Lãng, Kiến An, Thủy Nguyên, Dương Kinh, Hồng Bàng, Lê Chân….


Tại các buổi truyền thông, các đối tượng đã được cung cấp các kiến thức liên quan tới tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, những kiến thức về Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Thông qua đó giúp các học viên nhận thức đúng đắn, đầy đủ và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tới người thân, gia đình, cộng đồng.

Những năm qua, công tác truyền thông, tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá được thành phố đặc biệt chú trọng. Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành phố làm đầu mối tích cực triển khai có hiệu quả nhiều chương trình hoạt động. Trong đó, tập trung cấp phát các bảng cấm hút thuốc lá, poster tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá; nghiên cứu, thiết kế và phát hành  tờ rơi tuyên truyền về chương trình xây dựng thành phố không khói thuốc lá, tờ rơi về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của thuốc lá theo Nghị định số 176/2013 của Chính phủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở y tế, giáo dục, cộng đồng nhân dân...Tổ chức hội thảo, hội nghị, các lớp truyền thông tại cộng đồng đề tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và Luật PCTH thuốc lá cho nhiều đối tượng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với Đài PT-TH Hải Phòng, Báo Hải Phòng, An ninh Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố xây dựng các chuyên trang chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về tác hại thuốc lá tới người dân. 


Theo số liệu cuộc khảo sát mới nhất của nhóm Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS), tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% xuống 22,5%, tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Điều tra năm 2015 cũng cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm. Giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%. Qua đó, có thể nhận thấy rằng công tác phòng chống tác hại thuốc lá có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên để hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá thực sự có hiệu quả, thiết nghĩ ngoài công tác tuyên truyền thì rất cần có những biện pháp cứng rắn và quyết liệt, huy động được cả sức mạnh của toàn xã hội. Việc triển khai và thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá là điều rất cần thiết nhưng triển khai phải đi đôi với kiểm tra giám sát và xử phạt nghiêm minh, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm, bảo đảm quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.

Thông tin mới nhất




Đăng nhập