Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Ngành Y Tế Thành phố Hải Phòng
UBND quận Lê Chân ra quân xử lý ổ dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quận

Sáng ngày 20/7/2024 Ủy ban nhân dân Quận Lê Chân tổ chức lễ phát động chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên toàn địa bàn Quận.

anh tin bai

Tới dự lễ ra quân có các đồng chí: Lê Minh Quang, Giám đốc Sở Y tế; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố; các ngành, địa phương liên quan.
Sốt xuất huyết đã và đang trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền bởi muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue. Trước đây, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em; nhưng hiện tại, rất nhiều người lớn cũng mắc bệnh và tỷ lệ tử vong khá cao. Bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Đây là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của con người.
Theo báo cáo của CDC Hải Phòng, số người mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tích luỹ từ đầu năm 2024 đến nay tại địa bàn là 5216 trường hợp với 747 ổ dịch, trong đó có 328 ổ dịch đang hoạt động.

anh tin bai

Đ/c Lê Minh Quang, Giám đốc Sở Y tế chỉ  đạo công tác xử lý ổ dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Tính đến thời điểm này, Hải Phòng đã có 14/15 quận, huyện ghi nhận ổ dịch. Các quận, huyện có số ổ dịch đang hoạt động cao là: Hải An, Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng, An Dương, Kiến An; riêng quận Lê Chân là địa bàn có số bệnh nhân và ổ dịch sốt xuất huyết nhiều nhất thành phố với 2.852 ca bệnh và 57 ổ dịch đang hoạt động.
Trước tình hình số ca sốt xuất huyết tăng cao tại Quận Lê Chân, Sở Y tế Hải Phòng phối hợp UBND quận Lê Chân triển khai cấp bách việc ra quân xử lý đồng loạt ổ dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quận. Với phương châm "Không có lăng quăng không có sốt xuất huyết" và mục tiêu 100% các ổ dịch được xử lý, hoạt động này diễn ra vào 2 đợt (đợt 1 từ 20-21/7 và đợt 2 từ 27-28/7) tại 15/15 phường trên địa bàn quận.

anh tin bai

Ông Ngô Đức Tiệp - Trưởng phòng Y tế quận Lê Chân cho biết: Quận Lê Chân là địa bàn rộng và mật độ dân số đông nhất thành phố. Hiện tại số ca mắc SXH tại địa bàn quận là cao nên quyết tâm xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Mục tiêu của chiến dịch lần này thực hiện đồng loạt tất cả các tổ dân phố của 15 phường và ra quân cùng một thời điểm theo hai khung giờ (sáng từ 7 giờ 30 đến 10 giờ; chiều từ 16 giờ đến 18 giờ) để đạt kết quả cao nhất.
Phát biểu tại lễ ra quân, ông Lê Minh Quang - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng nhấn mạnh: Việc ra quân đồng loạt sẽ mang lại hiệu quả cao cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh nhiệm vụ của các nhân viên Y tế, còn nhận được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể… Với quyết tâm trên, tin rằng dịch bệnh trên địa bàn quận và thành phố sẽ được quản lý hiệu quả nhất và đảm bảo cho sức khỏe nhân dân thành phố. 
Để chiến dịch xử lý ổ dịch sốt xuất huyết thực sự hiệu quả, Sở Y tế Hải Phòng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp, hướng dẫn Trung tâm Y tế quận Lê Chân, các trạm y tế và các ban, ngành, đoàn thể, trường học, nhân dân ở địa phương đồng loạt dọn vệ sinh môi trường trong nhà và xung quanh khu vực sinh sống, phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, loại bỏ các vật phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng chứa nước không sử dụng, thu dọn các dụng cụ chứa nước như chai, lọ, chum, vại, lốp xe… để muỗi truyền bệnh không có nơi sinh sống, đẻ trứng.
Trước đó, 10 ngày, số ca mắc SXHD có xu hướng giảm với số tích lũy từ đầu năm tới thời điểm 8/7 là 2.811 trường hợp. Tuy nhiên, 1 tuần trở lại đây, số ca mắc SXHD được ghi nhận tại Hải Phòng đã lên tới  5216 trường hợp với 747 ổ dịch.

anh tin bai

Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy; chà rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ hàng tuần; khai thông các cống rãnh xung quanh nhà; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá….

anh tin bai

Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối vào chén nước kê chân tủ đựng chén bát, thay nước bình bông…Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.
Thông qua chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của Nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Phạm Hậu – Khoa Truyền thông GDSK ,CDCHP


Thông tin mới nhất




Đăng nhập