Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Ngành Y Tế Thành phố Hải Phòng
Thực hiện các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Chiều 11/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016. Tiếp đoàn có đồng chí Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương; lãnh đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố; cùng dự có lãnh đạo các phòng ban, đơn vị thuộc Sở Y tế có liên quan.
Xác định công tác an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, là việc làm thường xuyên, liên tục, vì vậy thời gian qua công tác an toàn thực phẩm luôn được thành phố Hải Phòng quan tâm chú trọng. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố cùng với hệ thống văn bản tương đối đầy đủ của các Bộ, ngành liên quan là cơ sở để hoạt động quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố đi vào nề nếp và có hiệu quả hơn.


Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn thành phố có khoảng 21.390 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm các loại bao gồm: 9.005 cơ sở sản xuất, 4.432 cơ sở kinh doanh, 7.953 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó chủ yếu là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Sở Y tế Hải Phòng đã giao Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận bản công bố hợp quy, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP….
Công tác thanh tra, kiểm tra về các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm được thành phố triển khai rất tích cực và quyết liệt. Hàng năm, các đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành các xét nghiệm nhanh như thử nhanh tinh bột, thử Clo dư trong nước, thử hàn the trong giò chả, thử nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thử nhanh phẩm màu….Ngoài ra các phòng kiểm nghiệm cũng tiến hành kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa học từ các mẫu do đoàn kiểm tra lấy mẫu hoặc do các cơ sở tự gửi để kiểm tra chất lượng định kỳ. Chi cục Vệ sinh ATTP thuộc Sở Y tế và các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hàng năm tiến hành lấy mẫu giám sát trên thị trường theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kết quả trong 5 năm (2011-2016) Chi cục Vệ sinh ATTP đã lấy 1.411 mẫu phân tích, 1.340 mẫu đạt yêu cầu và 71 mẫu vi phạm (chiểm 5,03%).
Công tác thông tin, giáo dục truyền thông, phổ biế chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm luôn được chú trọng và hoạt động thường xuyên đều khắp trên toàn thành phố với nhiều loại hình truyền thông, đặc biệt là trong các đợt cao điểm như: Tết Nguyên Đán, Lễ hội Xuân, Tháng Hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Lễ hội Hoa phượng đỏ. Trung bình hàng năm, công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn thành phố Hải Phòng thực hiện được: 100 hội nghị với khoảng 6000 người tham dự, 700 buổi nói chuyện cho khoảng 20.000 người, 8.000 lượt phát thanh,1.000 lượt truyền hình, 5.000 tờ áp phích, 1.000 băng rôn, khẩu hiệu, 60 đĩa hình, 200 băng đĩa âm, 150 bài viết được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử….
Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, mặc dù thời gian qua công tác an toàn thực phẩm của thành phố có những chuyển biến tích cực tuy nhiên thành phố cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hầu hết các xã phuờng chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý an toàn thực phẩm mà đều kiêm nhiệm, còn hạn chế về năng lực và chuyên môn. Bên cạnh đó các cơ sở kinh doanh thức ăn đuờng phố chưa đuợc quản lý chặt chẽ; Ý thức và trách nhiệm của nguời sản xuất thực phẩm còn chưa cao; Còn tồn tại tập quán ăn uống không hợp vệ sinh trong các tiệc cỗ; thu nhập nguời dân còn thấp khiến nguời dân tin dùng hàng rẻ; Sự mất lòng tin của nguời dân vào công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đặc biệt việc truyền thông giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm chưa thường xuyên dẫn đến việc người quản lý nguời trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến không đuợc cập nhật các uy định mới về đảm bảo an toàn thực phẩm......Các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm.


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam nhấn mạnh lãnh đạo thành phố luôn rất quan tâm, tập trung chỉ đạo về công tác Vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có sản phẩm an toàn, thành phố đã xây dựng 4 quy hoạch vùng sản xuất an toàn gồm: quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, quy hoạch vùng nuôi thủy sản, quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và quy hoạch khu giết mổ tập trung; đồng thời thành phố cũng xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản an toàn. Phó Chủ tịch kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế tài chính phù hợp để giải quyết kinh phí trong kiểm nghiệm và tiêu huỷ thực phẩm không an toàn, đồng thời có chính sách hỗ trợ cá nhân, cơ sở đánh bắt, nuôi trồng, phân phối, tiêu thụ tạo thành hệ thống chuỗi thực phẩm an toàn.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các sở ngành có liên quan báo cáo tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ghi nhận những kết quả mà thành phố Hải Phòng đã làm được trong thời gian qua. Đồng chí cũng đề nghị thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp, quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong quản lý thức ăn đường phố. Những kiến nghị của thành phố Hải Phòng, đoàn công tác sẽ tiếp thu để trình Bộ Y tế và Chính phủ xem xét, giải quyết.

Thông tin mới nhất




Đăng nhập