Hưởng ứng Tuần lễ Glocom Thế giới từ ngày 09-15/3/2025: Những điều cần biết về bệnh Glôcôm và cách phòng tránh
Bệnh Glôcôm là một nhóm các rối loạn liên quan đến mắt, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác của mắt. Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Cứ 200 người ở độ tuổi 40 thì có một người bị bệnh, tỷ lệ này tăng lên 1/8 ở độ tuổi 80. Glôcôm được biết đến với tên dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước.
Bệnh Glôcôm là một nhóm các rối loạn liên quan đến mắt, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác của mắt. Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Cứ 200 người ở độ tuổi 40 thì có một người bị bệnh, tỷ lệ này tăng lên 1/8 ở độ tuổi 80. Glôcôm được biết đến với tên dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Ước tính hiện nay có khoảng hơn 80 triệu người mắc bệnh Glôcôm (tăng nhãn áp) trên thế giới, khoảng 50% người mắc bệnh không biết rằng mắc bệnh. Đa số những người mù lòa sinh sống tại các vùng nông thôn, miền núi thiếu các điều kiện thực hiện dịch vụ chăm sóc mắt. Điều này là do trong giai đoạn đầu bệnh Glôcôm không có triệu chứng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa. Trong điều trị Glocom, không có biện pháp nào tốt hơn là tầm soát và phát hiện bệnh sớm.

Bệnh Glôcôm rất phức tạp do có rất nhiều hình thái với những cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng, đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện lâm sàng cấp tính nên người bệnh thường đi khám chữa ngay để thoát khỏi cơn đau nhức mắt. Glôcôm góc mở là hình thái bệnh mạn tính, không triệu chứng hoặc triệu chứng rất âm ỉ, mờ nhạt. Có đến 50% người bệnh Glôcôm góc mở và góc đóng mạn tính không biết mình bị bệnh Glôcôm. Chỉ đến khi thị lực giảm sút trầm trọng mới phát hiện bệnh thì đã quá muộn.
Bệnh Glôcôm nếu không được phát hiện và điều trị sẽ tiến triển qua các giai đoạn tiềm tàng, sơ phát, tiến triển, trầm trọng, gần mù và mù. Vì nguyên sinh bệnh chưa rõ ràng nên không thể phòng ngừa mắc bệnh Glôcôm. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù loà do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị thích hợp và theo dõi thường xuyên.
Những người có nguy cơ cao bị bệnh Glôcôm?
Những người trên 35 tuổi; người ruột thịt của người bệnh Glôcôm; người có cấu trúc mắt nghi ngờ Glôcôm: Bán kính độ cong giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, lõm đĩa thị rộng, chênh lệch độ lõm đĩa giữa 2 mắt, bị lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh; người có nhãn áp ở mức 23mmHg (đo nhãn áp kế Maclacốp) kèm theo các cảm giác chủ quan, triệu chứng khách quan đặc hiệu của glôcôm (rức nửa đầu hoặc cả 2 bên, mờ mắt, tức mắt, nhìn nguồn sáng thấy quầng tán sắc xanh đỏ...); người có nhãn áp hai mắt chênh lệch nhau quá 5mmHg; người bệnh có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân); người có bệnh toàn thân như đái tháo đường, cao huyết áp… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm.
Bệnh xuất hiện âm thầm, tiến triển mạn tính, lần lượt qua từng giai đoạn, thị lực trung tâm thường được bảo tồn đến giai đoạn muộn của bệnh, người bệnh không nhận thấy thị lực ngày càng bị giảm nên thường đến khám ở giai đoạn muộn khi bệnh đã tiến triển nặng. Đa số người bệnh không đau nhức mắt hay đau nhức đầu, một số người có cảm giác nặng, căng tức mắt thoáng qua, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, xuất hiện thành từng cơn ngắn rồi lại tự hết. Triệu chứng không rõ ràng nên thường ít được người bệnh quan tâm.
Phương pháp chẩn đoán bệnh Glôcôm
Việc chẩn đoán bệnh Glôcôm dựa vào các khám nghiệm thử thị lực, đo nhãn áp, soi đáy mắt, khám thị trường để phát hiện những tổn thương đặc hiệu của bệnh. Cần lưu ý các trường hợp có các triệu chứng đặc hiệu của Glôcôm, bị lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh. Lưu ý người bệnh có huyết áp cao, đái tháo đường vì tỷ lệ Glôcôm ở những người này khá cao.
Những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm nên đi khám kiểm tra mắt định kỳ ở các cơ sở chuyên khoa mắt.
Làm thế nào để dự phòng bệnh Glôcôm
Không có phương pháp nào phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên nếu được chuẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm và ngăn chặn tổn thương thần kinh thị giác. Nếu không điều trị, bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mù loà.
Từ 40 tuổi trở lên và những bệnh nhân có yếu tố di truyền như có cha mẹ hay ông bà bị Glôcôm thì nên khám kiểm tra nhãn áp thường quy.
Thường xuyên đi khám mắt 1 đến 2 lần trong một năm để phát hiện những dấu hiệu bệnh Glôcôm và các bệnh về mắt khác
Không được lạm dụng thuốc có chứa corticoid nhất là những thuốc tra tại mắt vì có thể dẫn đến mù loà do bị Glôcôm, đục thể thuỷ tinh, loét giác mạc.
Những người bị mắc bệnh đái đường, bệnh cao huyết áp cần thiết được điều trị đúng để đường huyết, hoặc huyết áp ổn định ở mức bình thường, mặt khác phải được kiểm tra đáy mắt định kỳ nhằm phát hiện tình trạng võng mạc thiếu máu do những bệnh này gây ra để điều trị laser dự phòng glôcôm tân mạch.
Những người được chẩn đoán bị đục thể thuỷ tinh cần theo dõi và mổ đúng thời điểm để tránh những biến chứng do đục thể thuỷ tinh giai đoạn cuối gây ra.

Bệnh nhân đang được khám và điều trị các bệnh về mắt tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng
Trong điều trị Glôcôm, không có biện pháp nào tốt hơn là tầm soát và phát hiện bệnh sớm. Hưởng ứng Tuần lễ Bệnh Glôcôm thế giới năm 2025 (từ 09 - 15/03/2025) với chủ đề "Đoàn kết để Thế giới hết bệnh Glôcôm" nhằm mục đích động viên toàn xã hội nâng cao nhận thức về bệnh tăng nhãn áp và kêu gọi mọi người tham gia vào các hoạt động chăm sóc và phòng tránh mù lòa.
Bệnh Glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị Glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Trong nhiều trường hợp, Glôcôm tuy đã được phát hiện và điều trị, song người bệnh cho rằng đã được chữa trị khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp. Hậu quả là bệnh vẫn âm ỉ tiếp tục tiến triển dẫn đến mất dần chức năng thị giác. Vì vậy, người bệnh Glôcôm cần phải được chăm sóc theo dõi thường xuyên, theo một quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh, được điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Khoa Truyền thông GDSk, CDC Hải Phòng